
Trong thời gian gần đây tình
trạng xâm hại tình dục trẻ em có diễn biến khá phức tạp và ngày càng nhiều. Kẻ
xâm hại ở nhiều độ tuổi, thành phần khác nhau có thể là cụ ông 70 đến 80 tuổi,
cũng có thể là kẻ xe ôm, lại cũng có thể là những người hàng xóm và đôi khi
chính là người thân trong gia đình. Đối tượng bị xâm hại ở đây không chỉ là bé
gái mà bé trai cũng là đối tượng mà yêu râu xanh hướng đến.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an trên báo Dân tri
cho thấy, năm 2018, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ (chiếm 82% so
với tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em. Trong đó,
đã xảy ra 425 vụ hiếp dâm trẻ em, 606 vụ giao cấu với trẻ em, 232 vụ dâm ô với
trẻ em và 271 vụ là tội phạm khác. Đây là con số đáng báo động đối với mỗi
chúng ta. Tuy nhiên nhiều người trong đó có cả phụ huynh và học sinh đang còn
mơ hồ về xâm hại tình dục trẻ em. Để có những biện pháp phòng tránh, các em và
mọi người hãy trang bị kiến thức cho mình. Hôm nay cô xin đại diện tổ tư vấn
tâm lí học đường xin tuyên truyền về việc phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ
em.
1/ Thế nào là xâm hại tình dục trẻ
em
Xâm hại tình dục trẻ em là sử dụng trẻ em để thoả mãn nhu
cầu tình dục của người lớn hơn. Xâm hại tình dục trẻ em bao gồm lạm dụng tình
dục trẻ em và bóc lột tình dục trẻ em.
2/ Đối tượng xâm hại
+ Người quen thân thiết: chú, bác, anh em, hàng xóm….
+ Người không quen biết.
+ Thành phần: nam, nữ mọi lứa tuổi.
3/ Các mức độ xâm hại tình dục
Hành vi xâm hại tình dục có thể thay đổi từ việc sờ mó bộ
phận sinh dục của trẻ, thủ dâm, tiếp xúc miệng với bộ phận sinh dục, giao hợp
bằng ngón tay, giao hợp qua đường sinh dục hoặc hậu môn.
Xâm hại tình dục ở trẻ em không chỉ giới hạn vào các tiếp
xúc cơ thể mà còn bao gồm cả những hành vi không tiếp xúc như khoe bộ phận sinh
dục cho trẻ thấy, kể cho trẻ nghe về tình dục, cho xem phim, truyện khiêu dâm,
tìm cách hướng dẫn, kích thích tình dục trẻ, rình xem trộm hoặc sử dụng hình
ảnh khiêu dâm trẻ em
4/ Tác hại của việc xâm hại tình dục
+ Làm tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần, tâm lý, sức khoẻ
của trẻ không chỉ ở hiện tại mà còn về lâu dài
+ Gây hoang mang, lo lắng cho gia đình và xã hội.
+ Làm ảnh hưởng đến tương lai của trẻ em, của dân tộc.
+ Làm gia tăng tệ nạn mại dâm, tệ nạn buôn bán phụ nữ, tăng
sự lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục.
+ Gây ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục và truyền thống
đạo đức tốt đẹp của nhân dân ta.
5. Các quy tắc phòng chống nguy cơ
bị xâm hại:
- Không đi một mình ở nơi tối tăm, vắng vẻ.
- Không ở trong phòng kín một mình với người lạ. Nếu đó là
người quen của gia đình thì cửa phòng phải luôn được mở.
- Không nhận tiền, quà hoặc nhận sự giúp đỡ đặc biệt của
người khác mà không rõ lý do.
- Không đi nhờ xe người lạ, hoặc sử dụng ăn uống của người
lạ đưa .
- Không để cho người lạ đến gần đến mức họ có thể chạm tay
vào người mình.
- Không để người lạ vào nhà, nhất là khi trong nhà chỉ có
một mình.
- Không nói chuyện điện thọai với người lạ khi đang ở nhà
một mình.
- Không cho ai có quyền tùy tiện động chạm, sờ mó vào chỗ
kín của cơ thể hoặc bất kỳ hành động thô lỗ nào với các em.
- Không ăn mặc hở hang, không gần gũi quá mức với người lạ,
kể cả những người thân họ hàng (trừ Bố mẹ, ông Bà, anh chị em ruột của mình) .
- Tin vào linh tính của bản thân và biết quan sát khi thấy
điều gì không bình thường cần cảnh giác và chủ động nghĩ cách phòng tránh để
thoát ra khỏi tình huống đó.
6. Những biện pháp giúp các em tránh
nguy cơ bị động chạm không an toàn, bị xâm hại:
- Bố mẹ bắt đầu trò chuyện về giới tính khi trẻ 2 tuổi. Hãy
cho trẻ biết rằng, cơ thể trẻ thuộc về chính bé. Không ai có quyền làm bất cứ
điều gì với cơ thể bé mà khiến bé khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói
“Không”.
- Khi tắm cho trẻ, hãy nói cho trẻ biết rằng, không một ai
có thể được nhìn hay chạm vào vùng kín của con, trừ một số người như bác sĩ, y
tá hay bố hoặc mẹ. Tuy nhiên, bác sĩ y tá cần phải mặc đồng phục và đang trong
giờ khám chữa bệnh, phải giải thích được cho con là họ cần chạm vào để làm gì
và cần có sự đồng ý của con.
- Cha mẹ hãy giải thích cho trẻ về sự khác biệt giữa những
bí mật "tốt" và "xấu". Những câu như “Đây là bí mật của
riêng hai chú cháu mình" thường của những kẻ lạm dụng khiến trẻ con cảm
thấy lo lắng và sợ không dám kể cho ai khác nghe. Những bí mật "tốt"
có thể là món quà hay bữa tiệc. Những bí mật "xấu" là cái khiến con
cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi và con cần nói ra. Hãy nói với con khi nào bé
cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, bé nên lên tiếng với người bé tin tưởng, có thể
nói với bố mẹ, hay chị gái, cô giáo...
- Khi có kẻ có ý định thực hiện hành vi hãy thực hiện những
hành động nếu có thể:
+
Đứng ngay dậy
+
Nhìn thẳng vào kẻ định sàm sỡ
+
Lùi ra xa đủ để không cho họ với tay được đến mình.
+
Nói to/hét to và kiên quyết: Không! Hãy dừng lại! Tôi không cho phép! Tôi không
muốn! Nếu không dừng lại, tôi sẽ mách với mọi người, tôi sẽ hét lên (Có thể
nhắc đi nhắc lại).
+
Bỏ chạy đến chỗ an toàn nếu họ tìm cách sờ nắn hoặc ôm ấp mình và kêu to cầu
cứu sự giúp đỡ của mọi người xung quanh.
- Các em hãy tham gia các lớp học võ để rèn luyện sức khỏe,
sự nhanh nhạy và biết được các cách phòng tránh
7. Cách xử lý khi bị xâm hại tình
dục.
+ Trong trường hợp mình bị xâm hại, hoặc phát hiện những kẻ
có ý định với mình hoặc với người khác các em tuyệt đối không được im lặng mà hãy kể ngay với cha mẹ hoặc những
người tin cậy. Nếu người thứ nhất chưa tin lời em thì kể với người thứ hai, nếu
người thứ hai chưa tin thì kể cho người thứ ba,… cho đến lúc có người tin và
giúp đỡ.
+ Không giấu diếm mọi chuyện mà phải cùng với người thân tìm
cách vạch trần “yêu râu xanh” để tránh gây hại cho những bạn khác.
+ Tuyệt đối không che giấu, thu mình vào một thế giới hoang
mang, lo sợ của riêng mình.
+ Hãy cố gắng vượt qua khó khăn tâm lí để trở lại cuộc sống
bình thường.
+ Hãy nhớ rằng em không
phải là người có lỗi khi bị xâm hại tình dục kẻ có lỗi phải bị trừng trị
chính kẻ đã làm hại mình. Hãy
nhớ rằng các em có quyền được bảo vệ và có quyền được giúp đỡ để được an toàn.
8. Đối với các bậc phụ huynh
- Hãy dành nhiều thời gian quan tâm, nói chuyện với các em
để biết được những thay đổi, tâm trạng buồn, lo lắng của các em khác với thường
ngày, hay kéo dài nhiều ngày.
- Trang bị cho con những kiến thức cơ bản về sức khỏe tình
dục, về giới tính theo từng độ tuổi

- Hướng dẫn, giải thích cho các em về cách phân biệt kẻ xấu,
cách tránh, đặc biệt hạn chế để trẻ một mình, hoặc nhờ người trông dùm trẻ.
Trong trường hợp phải để trẻ ở nhà một mình thì phải khóa cửa cẩn thận, dặn trẻ
không được mở cửa khi có người lạ, chỉ có người thân thiết như ông bà, gì, cô,
chú bác mới được mở cửa. Đa số nhà ở vùng nông thôn không kín cổng cao tường
như ở thành phố thì hướng dẫn trẻ khi có người lạ vào hỏi han thì không nên đứng
trong nhà mà ra đứng ở sân, đứng cách xa người lạ, không nhận hoặc ăn, uống bất
cứ cái gì người lạ đưa. Tuyệt đối nói không với người lạ mặt.

- Hướng dẫn trẻ phải biết quan sát để phân biệt kẻ xấu: như
nhìn chằm chằm vào những chổ nhạy cảm, mắt nhìn dáo dác xung quanh nhà, hỏi
những câu hỏi như bố mẹ cháu đi vắng à, cháu ở nhà một mình à, tự giới thiệu
bác, dì là bạn của ba mẹ cháu…
- Nếu trẻ đã bị xâm hại hãy thường xuyên quan tâm con nhiều
hơn đặc biệt là giải tỏa tâm lí cho con, nếu không có khả năng hãy nhờ các
chuyên gia tâm lí. Đưa con đến bệnh viện khám để xác định mức độ và điều trị
tổn thương thực tế.
- Bố mẹ cũng tuyệt đối không được giữ im lặng vì sợ ảnh
hưởng đến tương lai, danh dự, uy tín của con mà hãy tố giác những kẻ phạm tội
dù đó là ai.
Trên đây là một số kiến thức, kỹ năng giúp các em phòng
chống quấy rối và xâm hại tình dục. Nhà trường, gia đình và thầy, cô giáo luôn
tin tưởng các em, mong các em luôn dũng cảm, luyện tập trước những kỹ năng ứng
biến để bình tĩnh, xử lý!
Giáo viên phụ trách tâm lí học đường
Phan
Thị Bích Thủy