GIỚI THIỆU
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 154
Số lượt truy cập: 13774258
QUẢNG CÁO
CHUYỆN RIÊNG CỦA MỘT CHÚ BỘ ĐỘI 1/26/2015 8:17:33 PM

Ngày ấy, tôi còn nhỏ lắm, chỉ 8 - 9 tuổi thôi, là đứa cháu được cưng chiều nên mỗi lần bà nội đi chơi đâu đều dắt đi theo. Nhờ vậy mà tôi may mắn được biết chuyện sắp kể sau đây.

Bữa đó, tôi được bà dắt đi thăm một chú bộ đội trong xóm - tôi kể chuyện này với tất cả những ký ức của đứa trẻ thích hóng chuyện hồi đó nhớ được và cả những kinh nghiệm sống bây giờ của một người lớn, đã lập gia đình, có con rồi và cả những cuộc trò chuyện với bác sau này mới rõ được.

Nói là chú bộ đội nhưng kỳ thực chú ấy tôi gọi là bác - người bà con thân thiết của gia đình tôi bởi từ khi còn nhỏ lắm, tôi đã thấy bác ấy thường đến nhà tôi vào những dịp tết lễ, kỵ giỗ.

Bác có một tuổi thơ khá vui nhộn và có phần nghịch ngợm nữa, hấp dẫn tôi lắm. Nhưng ở đây, tôi chỉ kể một chuyện riêng về bác ấy thôi.

Vào năm 1966, đơn vị bác từ Nghệ An trên đường hành quân vào Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh vào đến Sơn Thủy (Lệ Thủy- Quảng Bình) đơn vị được lệnh dừng chân nghỉ ngơi trong khoảng 2 giờ đồng hồ. Nhìn về quê nhà sau nhiều năm chia xa, lòng bác vời vợi một nỗi nhớ. Biết đâu đấy đây là lần… Bác tôi nghĩ dại…Thế rồi, bác mạnh dạn đi gặp ông chỉ huy. Bác nói rằng:

- Dạ thưa thủ trưởng! nhà tôi ở gần đây, thủ trưởng cho tôi về thăm nhà một chút. Đây là dịp may… mong thủ trưởng thông cảm…

- Đây về nhà cậu bao xa? – Ông hỏi.

Ông chỉ huy là người miền Bắc, nên không am hiểu lắm về vùng nầy, biết vậy, bác tôi nói bừa:

- Nhà tôi cách đây chỉ 3 cây số thôi ạ! (bác tôi mặt đỏ bừng - trong lòng lo lắng)

Vị chỉ huy suy nghĩ một lúc, thế rồi với bản tính thương lính ông nói:

- Thôi được, ba cây thôi à?...cho cậu về thăm nhà. Bây giờ là 11 giờ đến 1 giờ chiều cậu phải có mặt tại đơn vị để tiếp tục hành quân, nhớ khi về phải báo cáo tớ đấy nhé.

Bác thoáng nghĩ, đây về nhà khoảng 5 cây số, đi bình thường thì khó, nếu vừa đi vừa chạy cả đi lẫn về hết 80 phút, sẽ còn 40 phút ở nhà. Được, kịp đây! Bác tôi như mở cờ trong bụng, đáp  “rõ” dõng dạc, rồi chạy như bay về tiểu đội, giao ba lô, khẩu súng cho một anh bạn thân nhờ giữ hộ, đội mũ, vớ lấy một thanh lương khô vừa đi vừa chạy, vừa ăn trên con đập từ Mỹ Đức băng qua Phú Thọ, qua bến đò chợ Thùi về với ngôi nhà thân yêu của mình. Trên đường về, mọi người nhìn bác lạ lắm. Người cho là bác tôi “hâm”. Người thì nhìn rồi nói vui: chú bộ đội ơi! gấp chi mà chạy như ma đuổi vậy. Bác tôi chỉ cười. Về đến đầu làng, vài người để ý nhận ra. A! thằng O… về. Nhưng bác chỉ gật gật đầu rồi chạy tiếp.

Nhà kia rồi, bác ào vào trong sự bất ngờ của mọi người. Cả nhà buông đũa… bữa cơm bỏ dở. Người thấy bác đầu tiên là mẹ bác. Ôi thôi, bà khóc to rồi ôm chầm lấy bác. Bác gái tần ngần dựa cột nhà không nói gì vì bất ngờ quá. Cả nhà im lặng trong vài giây. Bác chào mọi người rồi thông báo vắn tắt tình hình. Con chỉ về được một lúc thôi rồi đi ngay đây. Cả nhà chưa kịp vui đã thoáng buồn. Bà mẹ thương con, chẳng nói gì, lầm lủi xuống bếp bắt ngay con gà.

Nhà trên, lác đác vài người thân, hai người lặng tìm mắt nhau. Không nói. Thời gian tích tắc trôi. Làm sao đây! đang lúc giữa trưa ???. Bốn mắt nhìn nhau…đắm đuối. Nhìn quanh một lúc, bác tôi đột ngột đi vào buồng trong. Bỗng choang! Hình như có cái gì rơi…trong đó.

- Ôi rồi, chai đậu xanh vỡ rồi ! .

Bác tôi nói to cố ý cho mọi người cùng nghe, tiện thể gọi luôn bác gái vào nhặt giúp. Bác gái nghe vậy, hốt hoảng chạy theo vào. Bà mẹ bác ở dưới bếp dõng tai nghe nửa tin nửa ngờ, rồi hình như đã hiểu ra, tủm tỉm cười, rồi ứa nước mắt vỉ thương con, cố tạo ra vẻ ngoài vờ như không biết chuyện gì. Và rồi chuyện gì đến sẽ đến, có trời mới biết những gì xảy ra ở trong đó!

Ngoài nhà, nghe tin bác về bà con lục tục kéo đến, thời đó bộ đội về làng là quan trọng lắm! Chưa gặp được có người sốt ruột:

-Thằng O.. mô rồi, mau ra đây tao coi ra răng!

Bà mẹ đang thịt gà dưới bếp tất tả chạy lên đưa một tay lên gác ngang miệng ra hiệu im ..im, một tay chỉ vào buồng nháy nháy mắt, gật gật đầu. Mọi người trố mắt nhìn… hiểu ý… im lặng, tự tìm lấy chỗ ngồi đợi.

Người trong xóm lại tiếp tục đến. Lại tiếp tục ra hiệu. Người đến trước ra hiệu cho người đến sau. Mọi người cùng tủm tỉm cười. Những sản phẩm của làng quê như chục trứng, nải chuối, cặp bồ câu non, chục long gạo nếp, con gà … đem đến làm quà cứ để bề bộn ở nền nhà, chẳng có người nhận. Không còn việc gì, mọi người xoay ra nói chuyện đồng áng, đùa nghịch, bóng gió vẩn vơ. Có người sốt ruột, bạo mồm:

- Thôi được rồi, ra đây cho bà con xem mặt với nào!

Tôi đôi lần lảng vảng đến nơi cửa buồng đều bị bà tôi giật phắt lại. Chẳng hiểu vì sao cả!  Sau này, những lúc rỗi rải, nhớ nhà nơi chiến trường bác tôi đã tỉ tê và đã thành “giai thoại” trong các bạn đồng ngũ của mình. Thật là như ngày cưới vậy….

Một lúc sau hình như là đã “nhặt” xong đậu xanh rồi, bác tôi bước ra chào mọi người, nét mặt như có gì đó vui lắm, mãn nguyện lắm, nhưng cũng không giấu được vẻ xấu hổ…Ra sau một chút là bác gái với vẻ lúng túng, mặt còn đỏ bừng cười e thẹn…Cũng lúc này mẹ bác từ dưới bếp bưng lên nồi cháo gà nóng hổi, thơm phưng phức. Bà đon đã mời mọi người nhưng chẳng ai để ý, chỉ có tôi là vô tư bưng lấy một bát từ tay bà múc cho, ăn ngon lành. Bác tôi vừa cầm đũa húp một hơi thì nhìn đồng hồ. Thôi chết rồi đến giờ rồi con phải đi đây! Bỏ bát cháo xuống bàn, bác xin lỗi mọi người, chào vội, rồi nhoài ra cổng vừa đi vừa chạy. Mọi người ùa theo ra đến đầu ngõ.

Đến nơi cũng là lúc đơn vị đang tập hợp đội hình chuẩn bị lên đường. Nhận lấy cái ba lô, khẩu súng từ tay anh bạn trong đơn vị, bác tôi nhập vào hàng quân, mặt còn nhễ nhại mồ hôi.

Các bạn có biết không, chính cái buổi trưa đó đã cho bác tôi “một sản phẩm đặc biệt” - một người con mà sau đó gần mười năm sau mới gặp lại. Trải qua hai cuộc chiến bác tôi đã tham gia vào rất nhiều chiến dịch, trở thành một trong những cán bộ cao cấp ở Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp.

Đó là một chuyện có thật một trăm phần trăm ở làng tôi, ám ảnh tôi suốt bây lâu, cho đến giờ tôi vẫn băn khoăn nên kể hay không, lại nữa vì là chuyên riêng nên tôi không thể nói ra tên thật của bác mong mọi người thông cảm. Dù vậy, câu chuyện này chắc vẫn không giấu được người làng tôi và những người bạn lính của bác. Đó là chuyện đời tư của một người lính thôi nhưng đã để lại trong tôi tình cảm nể trọng kính phục mạnh mẽ. Giờ đã lớn rồi tôi mới thương bác hơn, hiểu hơn mối tình cảm gia đình, chồng vợ riêng tư trong bác. Tôi trân trọng cái khoảnh khắc thời gian 40 phút ấy lắm; cảm phục cái ý thức kỷ luật, biết hy sinh, giải quyết đúng đắn mối tình cảm gia đình, đặt lợi ích đất nước lên trên hết; cảm phục cái thanh thản, nhẹ nhàng ấy của “Anh bộ đội Cụ Hồ” trong bác. Và bác cũng có một gia đình, xóm giềng nhân hậu biết chia sẻ cùng bác những nỗi niềm tình cảm, động viên bác tất cả vì nghĩa lớn. Chỉ bấy nhiêu thôi, từ một người lính ta nghĩ đến trăm ngàn người lính khác của quân đội nhân dân Việt Nam đều cao cả và bình dị như thế.

Trong các cuộc chiến vừa qua đã có biết bao người lính giản dị, “rất đời” đáng kính như thế. Đó có lẽ là nguồn “nội năng” tiềm tàng giúp họ vượt qua bao nhiêu gian khó ác liệt nơi trận mạc, làm nên nét tính cách phong phú của “Anh bộ đội Cụ Hồ” - ngọn nguồn làm nên sức mạnh chiến thắng mọi kẻ thù.

Ngày nay, được sống trong hòa bình, chúng ta càng biết ơn những hy sinh thầm lặng, bình dị mà vô cùng cao cả của những người lính cụ Hồ - biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam.

                                                     Lê Trung Chính

                                        THCS Phong Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình.

                                               SĐT: 0918826529

TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
Lê Tuyết Nhung
Lê Tuyết Nhung
0837287999
Trần Thị Minh Việt
Trần Thị Minh Việt
0916012646
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG THCS PHÚ THỦY - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 0232.3997998 * Email: thcsphuthuy@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com