GIỚI THIỆU
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 43
Số lượt truy cập: 13838898
QUẢNG CÁO
LỆ THỦY SƠ KẾT 01 NĂM THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG ĐUỐI NƯỚC VÀ DẠY BƠI AN TOÀN CHO HỌC SINH PHỔ THÔNG 3/31/2018 10:10:27 AM
BBT: Sáng ngày 30/3/2018, Phòng GD&ĐT Lệ Thủy, Quảng Bình đã sơ kết 01 năm thực hiện kế hoạch phòng chống đuối nước và dạy bơi an toàn cho học sinh phổ thông. Tham gia hội thảo có các đồng chí đại diện Sở GD&ĐT Quảng Bình, đại diện các phòng ban huyện Lệ Thủy, đại diện tổ chức Golden West cùng tất cả các đồng chí Hiệu trưởng 03 bậc học và giáo viên dạy thể dục trên địa bàn huyện. Tại hội thảo, thầy giáo Phan Đức Niệm - Hiệu trưởng nhà trường đã có bài phát biểu tham gia hội thảo. BBT xin gửi đến quý độc giải nội dung bài phát biểu này.

thay Hao.jpg

Đồng chí Võ Vĩnh Hào - TP GD&ĐT kết luận tại buổi hội thảo

 

CÁC GIẢI PHÁP

PHỔ CẬP BƠI LỘI CHO HỌC SINH TRÊN SÔNG, HỒ TỰ NHIÊN

 

Kính thưa quý vị đại biểu.

Kính thưa toàn thể các đồng chí.

Ngày 04/01/2017, Chủ tịch UBND huyện đã ra quyết định 23/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch Phòng chống đuối nước và phổ cập bơi an toàn cho học sinh phổ thông giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2025 trên địa bàn huyện nhà. Sau một năm thực hiện, chúng ta đã có những kết quả tuy còn khiêm tốn nhưng rất vững chắc. THCS Phú Thủy có đi trước một đoạn, chúng tôi làm PCBL cho học sinh trên sông hồ tự nhiên từ năm 2015 và xin được trình bày một vài kinh nghiệm đã làm góp bàn cùng hội thảo.

I. THCS Phú Thủy thực hiện PCBL cho học sinh từ năm 2015. Có mấy xuất phát điểm để Phú Thủy làm PCBL:

1. Hưởng ứng phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", một trong những mục tiêu của phong trào là huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các tổ chức xã hội trong và ngoài nhà trường để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương.

2. Tình hình thực tế về tai nạn sông nước đối với học sinh tại thời điểm 2015 và thời gian trước đó là quá nghiêm trọng (1).  Phú Thủy có 3 sông nhỏ, 2 hồ lớn, 60% hộ dân có hồ nhỏ trong vườn nhà, 1/3 khu dân cư ngập nước trong mùa mưa lũ nên việc quản lý an toàn sông nước cũng hết sức phức tạp (2).

3. Các giải pháp tuyên truyền, các văn bản chỉ đạo của các cấp quản lý đến tại thời điểm 2015 xem ra chưa đạt hiệu quả (3). Năm 2010 Bộ có Công văn số 664/BGDĐT-CTHSSV chỉ đạo “Về việc triển khai công tác phòng, chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong các trường tiểu học giai đoạn 2010 – 2015” nhưng đến 2015 cả nước vẫn loanh quanh với các biện pháp tình thế ngăn cấm học sinh xuống nước khi không an toàn.

4. Sinh hoạt trên môi trường sông nước là một phần của cuộc sống xã hội, trong đó có trẻ em. Trẻ em không có lỗi khi các em vui đùa bơi lội trên sông nước (4). Vì vậy các giải pháp ngăn cấm trẻ em vui đùa trên sông nước chưa phải là giải pháp mang tính khoa học và nhân văn.

5. Tại thời điểm 2015, trẻ em chúng ta đang rất thiếu những sân chơi an toàn (5), đặc biệt là trẻ em vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

6. Một điều quan trọng là chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận thực tế hiện nay: đa số nạn nhân bị đuối nước là những trẻ em không biết bơi (6). Giải pháp mang tính xã hội là phải trang bị cho học sinh kỹ năng bơi lội, kỹ năng bơi lội sẽ theo suốt các em trong cả cuộc đời như các bài học đạo đức, như chữ viết và các phép tính toán.

7. Dạy bơi cho học sinh không khó lắm (7) nhưng phổ cập bơi lội cho học sinh thì chỉ nhà trường mới làm được.

Từ những xuất phát như trên, năm 2015 THCS Phú Thủy đã tổ chức thực hiện PCBL cho học sinh trên sông hồ tự nhiên với mục tiêu đến 2018 sẽ phổ cập bơi lội cho học sinh toàn trường.

II. Phú Thủy đã thực hiện phổ cập bơi lội cho học sinh trên sông, hồ tự nhiên như thế nào?.

1. Nhà trường, gia đình, xã hội phải thấm được nỗi đau mất mát do đuối nước gây ra đối với con em để từ đó cùng nhau tìm ra giải pháp phòng chống hữu hiệu nhất.

2. Nhà trường chủ động trong việc tạo được sự đồng thuận của nhà giáo, phụ huynh cũng như toàn xã hội về việc tổ chức dạy bơi cho học sinh trong điều kiện sông hồ tự nhiên (8)

3. Khảo sát ao hồ và mặt nước nguy hiểm đối với trẻ em.

4. Khảo sát tỷ lệ trẻ biết bơi khi nhập học (gọi là phổ cập bơi tự nhiên) đối với đối tượng định làm phổ cập bơi (9). Tỷ lệ biết bơi tự nhiên trung bình mỗi lứa học sinh xấp xỉ 16%. Đây là căn cứ để tổ chức, biên chế các lớp PCBL khi dạy bơi.

5. Khảo sát điều kiện sông, hồ trên địa bàn có thể tổ chức dạy bơi (10). Yêu cầu bến dạy bơi:

+ Là bến sinh hoạt của các hộ dân trong xóm, được xây kè và có các bậc bê tông lên xuống.

+ Lưu lượng nước chảy ở mức thấp, không có dòng chảy xiết.

+ Mực nước không quá sâu.

+ Dòng nước trong, không có nhiều rong, rêu, lớp bùn ở đáy mỏng và có pha cát sạn, không bị vẫn đục khi học sinh tập luyện.

+ Trong lòng sông và khu vực hai bên bờ không có các sinh vật gây hại ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn cho học sinh.

+ Vị trí tập luyện thoáng mát, có nhiều bóng cây, không che khuất tầm nhìn, cạnh các nhà dân, nơi có nhiều ngươi qua lại nên thuận tiện cho việc ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

6. Căn cứ kết quả khảo sát, nhà trường xây dựng kế hoạch PCBL, kế hoạch thực hiện có mục tiêu, giải pháp, trách nhiệm, chế độ cụ thể, rõ ràng.

- Mục đích, yêu cầu: Nâng cao nhận thức cho đội ngũ, PHHS và xã hội về GDTC nói chung và an toàn sông nước cho học sinh. Bảo đảm tối đa an toàn sông nước cho học sinh trong điều kiện sống chung với môi trường sông nước. Giáo dục cho học sinh tinh thần đoàn kết, gắn bó, thân thiện, thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT. Phát hiện học sinh có năng khiếu bơi lội để thực hiện tạo nguồn VĐV bơi lội HKPĐ và các hội thi TDTT hàng năm.

- Mục tiêu: Thực hiện phổ cập hàng năm cho học sinh khối 6, đến 2018 có 100% học sinh THCS biết bơi.

- Thành lập Ban chỉ đạo, phân công trách nhiệm các thành viên trong ban chỉ đạo.

- Thành lập tổ thực hiện chương trình gồm: Giáo viên dạy chính, giáo viên dạy bỗ trợ, người phụ trách vệ sinh môi trường và sức khỏe, người phụ trách điều kiện, người phụ trách cứu hộ.

- Quy định về chương trình, nội dung: Nội dung dạy học: Kỹ thuật bơi trườn sấp. Tổng thời gian: 12 buổi x 3 tiết/ buổi = 36 tiết. Trong đó hầu như tất cả các tiết học sinh đều có phần tập luyện dưới nước, từ tập làm quen môi trường nước đến tập kỹ thuật bơi.

- Quy định về thời gian, dụng cụ.

- Quy định về bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh: Đây là nội dung hết sức quan trọng, bắt buộc tổ PCBL phải triệt để chấp hành. Khi chưa có quy định của Phòng GD-ĐT, chúng tôi đã làm; đến nay thì tổ CM phòng GD-ĐT đã có quy định chặt chẽ, tôi không trình bày cụ thể ở đây.

- Quy định về hồ sơ giảng dạy: Kế hoạch, chương trình, các quy định an toàn và trách nhiệm, danh sách lớp PCBL, phần điểm danh, phần ghi đầu bài dạy, phần kiểm tra của BGH. Nói thì nhiều vậy nhưng tất cả tích hợp trong một cuốn sổ và giao cho tổ PCBL quản lý, sử dụng.

- Quy định về kinh phí:

+ Các nguồn được huy động: Năm 2015 huy động XHH cho mỗi học sinh là 80.000đ/24 tiết học ngoại khóa, năm 2016 là 100.000đ; năm 2017 và 2018 là 150.000đ cho 36 tiết học ngoại khóa. Xin nói thêm: Hợp đồng cho một khóa bơi tại bể bơi huyện là 400.000đ; tại Đà nẵng là 300.000 - 500.000đ/ tháng học 12 buổi; tại Hà nội là 2.500.000đ/ khóa học 10 buổi.

+ Kế hoạch chi trả (11): Quy định rõ định mức chi bồi dưỡng cho giáo viên dạy chính, giáo viên dạy bỗ trợ.

- Quy định về dạy bổ túc cho học sinh tái mù bơi: Học sinh được công nhận PCBL sau 1 năm kiểm tra lại, nếu không đạt thì phải học bổ túc kỹ năng bơi lội và phải được kiểm tra công nhận lại.

- Quy định về kiểm tra, đánh giá và ra quyết định công nhận biết bơi: Học sinh hoàn thành chương trình học bơi 36 tiết sẽ được nghiệm thu; học sinh hoàn thành nội dung bổ túc kỹ năng bơi sau tái mù bơi.

* Tốt: Thực hiện đúng kỷ thuật bơi trườn sấp, đạt chiều dài 15m trở lên.

* Đạt: Thực hiện khá tốt kỷ thuật, có thể có lỗi kỹ thuật nhưng vẫn đạt chiều dài đường bơi nữ 8m, nam 10m.

6. Tổ chức giám sát:

- Nội dung giám sát: Khảo sát đầu vào, khảo sát kết quả đầu ra; an toàn dạy bơi, vệ sinh bến bãi tập, huy động và sử dụng kinh phí.

- Thành phần giám sát: Ban đại diện CMHS, Ban TTND, đại diện BCH Đoàn xã, đại diện hội Khuyến học. Rất phấn khởi là các kỳ nghiệm thu, khảo sát biết bơi đều có đại diện Phòng GD-ĐT tham dự và đ/c Trưởng phòng đã 2 lần đến trực tiếp theo dõi chỉ đạo.

III. Kết quả Phú Thủy đạt được sau 4 năm thực hiện phổ cập bơi:

3.1 Kết quả về nhận thức:

Sau gần 4năm thực hiện "phổ cập bơi lội cho học sinh THCS trên sông hồ tự nhiên” nhà trường luôn nhận được sự quan tâm động viên của lãnh đạo và sự đồng tình ủng hộ của phụ huynh và xã hội. Điều đó chứng tỏ nhận thức đã chuyển từ sự lo lắng, bức xúc sang ý thức và trách nhiệm của mỗi cán bộ, mỗi người dân đã được nâng cao.

Cách làm cả nhà trường, gia đình và xã hội cùng ngồi lại, cùng nhau bàn bạc để sau đó thống nhất chọn giải pháp dạy bơi cho học sinh là giải pháp bảo đảm an toàn ổn định lâu dài cho mọi người đặc biệt là trẻ em nhằm giảm thiểu tối đa những đau thương do sông nước gây ra.

3.2 Kết quả học sinh biết bơi:

Năm 2015: Có 95/124 học sinh khối 6 được công nhận biết bơi đạt tỷ lệ 76,6%.

Năm 2016: Có 99/106 học sinh khối 6 được công nhận biết bơi đạt tỷ lệ 93,4%; 121/124 học sinh khối 7 được công nhận biết bơi đạt tỷ lệ 97,6%.

Năm 2017: Có 105/112 học sinh khối 6 được công nhận biết bơi đạt tỷ lệ 93,8%; Đưa tổng số học sinh khối 6-7-8 biết bơi lên 325/342 – 95,0%.

Năm 2018: Mặc dù chưa hoàn thành chương trình dạy PCBL cho học sinh khối 6 nhưng qua khảo sát 320 học sinh tại bể bơi Mai Thủy có 312 học sinh đạt chuẩn PC bơi an toàn đạt tỷ lệ 97,5%. Dự kiến sau khi khảo sát đợt 2 vào cuối năm học, Phú Thủy có khoảng 394/ tổng số 438 học sinh đạt tiêu chuẩn phổ cập bơi an toàn đạt tỷ lệ khoảng 90%.

3.3 Kết quả thực hiện phổ cập bơi lội góp phần giúp Phú Thủy đạt thành tích cao trong các cuộc thi bơi lội cấp huyện, cấp tỉnh (12). Năm 2018, Phú Thủy xếp thứ nhất toàn huyện về nội dung thi bơi lội.

Việc làm “phổ cập bơi lội cho học sinh THCS trên sông, hồ tự nhiên” mà đơn vị đã triển khai mang lại niềm tin tưởng vào một môi trường học tập an toàn. Giúp các em tự tin hơn trong mọi hoạt động và ý thức tổ chức kỷ luật cũng được nâng lên.

IV. Bài học kinh nghiệm:

1. “Phổ cập bơi lội cho học sinh THCS trên sông, hồ tự nhiên” là một cách làm mang tính xã hội, tính thực tiễn cao (13).

2. "Phổ cập bơi lội cho học sinh THCS trên sông, hồ tự nhiên" hoàn toàn có thể làm được. Nhưng để làm được thi thì nhà trường phải có sự bứt phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm (14).

3. Tổ chức "Phổ cập bơi lội cho học sinh THCS trên sông, hồ tự nhiên" khi chưa ai làm càng cần thiết phải tổ chức giám sát, công khai, minh bạch cả chất lượng đầu vào, chất lượng đầu ra, điều kiện, tài chính.

4. "Phổ cập bơi lội cho học sinh THCS trên sông, hồ tự nhiên" phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương tại các vùng mà thu nhập hộ dân còn thấp (15).

5. "Phổ cập bơi lội cho học sinh THCS trên sông, hồ tự nhiên" đòi hỏi HĐSP nhà trường phải đoàn kết, đồng lòng; giáo viên dạy chính phải có kinh nghiệm về kỹ thuật bơi, kỹ thuật cứu hộ, có nghiệp vụ sư phạm; ê kíp được giao nhiệm vụ dạy bơi phải có kiến thức tâm lý sư phạm, tâm huyết, tích cực, nhiệt tình, đoàn kết,  phải biết hy sinh cho công việc thì việc dạy bơi mới bảo dảm an toàn và đạt kết quả.

6. Thực hiện "Phổ cập bơi lội cho học sinh THCS trên sông, hồ tự nhiên" giúp nhà trường có thêm kinh nghiệm trong việc bảo đảm an toàn khi tổ chức tập bơi (chuẩn bị phương tiện, tổ chức cứu hộ, quản lý học sinh trên mặt nước, ...); giúp nhà trường có thêm kinh nghiệm trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh nguồn nước khi tổ chức tập bơi (chuẩn bị thuốc chống dị ứng, thực hiện vệ sinh bến tập bơi, phối hợp hỗ trợ bảo đảm vệ sinh nguồn nước, ...)

5. Kiến nghị, đề xuất:

1. Đối với các nhà trường vùng ven, trung du, miền núi chưa có điều kiện dạy phổ cập bơi an toàn trong các bể bơi đạt tiêu chuẩn thì việc dạy phổ cập bơi an toàn cho học sinh trên mặt nước tự nhiên còn phải thực hiện trong một thời gian khá dài nữa. Chúng ta cần có sự sẽ chia kinh nghiệm với nhau để việc phổ cập bơi an toàn sớm đạt hiệu quả.

2. Đối với phòng GD-ĐT chúng tôi đề nghị:

+ Việc có được Kế hoạch ban hành theo Quyết định số 23/QĐ-UBND ngày 04/01/2017 của Chủ tịch UBND huyện và những bước đi chắc chắn trong lộ trình thực hiện phổ cập bơi an toàn cho học sinh là việc làm mang tính thực tiển, nhân văn sâu sắc. Các đơn vị chưa có điều kiện dạy bơi trong các bể bơi đề nghị cơ quan quản lý trực tiếp tiếp tục chỉ đạo sát sao trong quá trình thực hiện.

+ Tăng cường tổ chức huấn luyện nâng cao kỹ năng bơi lội, kỹ năng huấn luyện cho giáo viên thể dục trên diện rộng hơn để các trường học có được lực lượng dạy và cũng cố kỹ năng bơi an toàn cho học sinh được thuận lợi hơn.

+ Tham mưu UBND huyện và các cấp có sự tuyên dương khen thưởng cho các tập thể và giáo viên có nhiều thành tích trong việc dạy phổ cập bôi lội cho học sinh.

3. Đối với UBND huyện:

Kết quả sau một năm thực hiện Quyết định số 23/QĐ-UBND ngày 04/01/2017 của Chủ tịch UBND huyện ban hành Kế hoạch Phòng chống đuối nước và phổ cập bơi an toàn cho học sinh phổ thông giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2025 thật đáng khả quan; vừa thể hiện tính hiện đại, quy cũ, là hướng đi đúng đắn trong việc huy động nguồn lực và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho giáo dục. Trong thời gian tới, chúng tôi đề nghị UBND huyện tiếp tục có kế hoạch đầu tư rộng hơn để đích đến mỗi xã vùng ven trung tâm có một bể bơi cho học sinh tập luyện được rút ngắn trước 2021 (mỗi năm làm được khoảng 4 bể bơi).

 

Kính thưa quý vị đại biểu, kính thưa toàn thể hội nghị: Phú Thủy làm phổ cập bơi lội cho học sinh khi trên Google chưa tìm được tư liệu nào về dạy PCBL. Những kinh nghiệm mày mò, tích cóp được sau 4 năm thực hiện đã giúp Phú Thủy gần chạm đích đến phổ cập bơi an toàn theo Quyết định 23 của UBND huyện. Tôi hy vọng, các đơn vị bạn sẽ rút ngắn được thời gian nhiều hơn khi Quyết định 23 của UBND huyện sau 1 năm thực hiện đã có những kết quả tốt đẹp.

Xin kính chúc quý vị cùng các đ/c sức khỏe, xin cảm ơn./.

CHÚ THÍCH:

(1) Trung bình mỗi ngày ở nước ta có 9 trẻ em chết đuối và mỗi năm là hơn 3.000 trẻ em bị hà bá cướp đi mạng sống, con số này có tỷ lệ cao nhất so với các nước trong khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Quảng Bình ta mỗi năm có 20 trẻ em tử vong do đuối nước. Tại Lệ Thủy năm 2015 ở trường THCS Hoa Thủy có 02 em chết đuối, ở trường THCS Mai Thủy có 02 em bị đuối nước trong đó một em tử nạn; tại TH Phú Thủy một nhóm 6 học sinh rũ nhau đi tắm sông, người nhà phát hiện đã đuổi về, các em lại tiếp tục rũ nhau đi tắm ao và hậu quả là một học sinh lớp 3 bị đuối nước. Và cứ mỗi khi hè đến, lũ về tình trang đuối nước lại tiếp tục gia tăng.

(2) Cuối tháng 5/2012, học sinh lớp 7B đã tự tổ chức họp mặt tại gia đình một phụ huynh, sau đó tổ chức đi tắm tại Bợc Lỡ trên sông Phú Hòa; GVCN đã nắm và báo cáo tình hình; nhà trường đã kiểm tra và đánh giá lại hạnh kiểm, cắt danh hiệu và thành tích thi đua của lớp, học sinh. Vậy nhưng tháng 4/2013, gần như cả lớp 6C rủ nhau đi biển từ sáng ngày Chủ nhật, khi đến biển Ngư Thủy đã có 4 em xuống tắm, đến gần 5 giờ tối cùng ngày số học sinh trên mới lôi thôi, lếch thếch về nhà trong sự kiếm tìm hoảng loạn của các gia đình. Sau sự việc này, nhà trường đã tập trung đấu tranh và xữ lý nghiêm đối với tập thể lớp 6C cùng những học sinh vi phạm;

(3) Ngày 09/02/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 664/BGDĐT-CTHSSV gửi Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương chỉ đạo “Về việc triển khai công tác phòng, chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong các trường tiểu học giai đoạn 2010 – 2015” trên tinh thần thực hiện Chương trình phối hợp liên ngành về phòng, chống đuối nước cho học sinh, với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc. Theo tinh thần, nội dung công văn trên, ngành giáo dục đã xác định vị trí, vai trò của việc dạy bơi là một trong những giải pháp hữu hiệu trong việc hạn chế tử vong do đuối nước gây ra đối với học sinh và đặt ra mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn từ 2010 – 2015 cơ bản các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai được mô hình thí điểm dạy bơi trong các trường tiểu học bằng các hình thức phù hợp với từng địa phương. Chủ trương trên là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên đến 2015, việc triển khai chương trình này còn nặng nề về hình thức “thí điểm”, trên toàn quốc chưa có một trường học nào tổ chức dạy bơi lội cho học sinh. Tình trạng đuối nước ở trẻ em nước ta vẫn rất đáng báo động, khiến xã hội không khỏi lo lắng.

(4) Quê hương là gì nếu không có con sông, bến nước, không có “những ngày trốn học đuổi bướm cạnh cầu ao”. Con sông quê hương nếu không có bầy trẻ nhỏ “... tụm năm tụm bảy/ bầy chim non bơi lội trên sông”, dòng Kiến Giang hiền hòa thơ mộng nếu không có cái bến sông “Con trâu đằm phía dưới/ bầy trẻ thơ tắm mát ở thượng nguồn” thì còn đâu là thơ là nhạc. Vì vậy, các giải pháp tình thế để giải bài toán đuối nước thường mang tính áp đặt và làm khô tâm hồn con trẻ.

(5) Mùa hè đến mang theo cái nóng ngột ngạt bức bối của thời tiết, sau những buổi học căng thẳng, các em tìm đến những ao hồ sông suối để bơi lội là một nhu cầu làm mát tất yếu cũng giống như người lớn rũ nhau đi biễn vào những ngày nghỉ cuối tuần vậy thôi. Việc cấm các em bơi lội, vui đùa thỏa thích trên dòng nước trong những ngày hè hoặc trong mùa mưa lũ chỉ là một giải pháp tình thế, không phải là một giải pháp mang tính chiến lược. Ước gì mọi trẻ em thôn quê đều có được những điểm vui chơi tập trung, an toàn, có người bảo trợ thì mọi đau thương sẽ được hạn chế bớt rất nhiều.

(6) Việc tổ chức tập bơi trong các nhà trường hiện nay đang khó thực hiện vì không có phương tiện đảm bảo an toàn, 11-12 tiết Thể dục tự chọn (nếu nhà trường chọn môn Bơi lội)/ lớp/ năm học cũng chưa thể đạt được những yêu cầu cần thiết để bảo đảm an toàn cho học sinh khi tham gia hoạt động trên mặt nước.

(7) Nếu tự phát thì người lớn biết bơi tập cho con em mình. Nếu tổ chức các lớp học bơi thì thuê huấn luyện viên, chuẩn bị phương tiện cứu hộ, phương tiện bảo đảm an toàn, học sinh phải đóng học phí (nếu không có nguồn kinh phí tài trợ). Chỉ cần thay tiền đóng BHTT trong một năm như hiện nay để học sinh đóng một lần học phí tập bơi cho các em và kết hợp với chương trình Thể dục tự chọn được thực hiện tập trung vào một năm học lớp 6 (khoảng 40 tiết) thì chắc chắn các em sẽ có được những kỷ năng ứng phó với với mọi rũi ro từ sông nước để đảm bảo an toàn cho mình và góp phần bảo đảm an toàn cho người khác trong cả cuộc đời.

(8) Lúc đầu thì có một số ý kiến cho rằng đây là cách nhà trường làm kinh tế, tạo việc làm có thu nhập thêm cho giáo viên; đây là cách nhìn thiển cận và thiếu thân thiện; khi hiệu quả đã rõ ràng những ý kiến này không còn nữa.

(9) Năm 2014 chúng tôi khảo sát thực tế đối với 124 học sinh nhập học lớp 6, tỷ lệ biết bơi là 18/124 – 14,5%. Tỷ lệ này năm 2015 là 16/106 – 15,1%; năm 2016 là 19/112 – 17,0%; năm 2017 là 17/99 – 17,2%; trung bình tron 4 năm là 16,0%.  Đây là căn cứ để phân lớp dạy bơi và huy động nguồn lực. Các bước khảo sát như sau: Đăng ký biết bơi, chưa biết bơi – Kiểm tra thực tế trên mặt nước đối với học sinh đăng ký biết bơi để xác định đích danh những học sinh không phải tham gia lớp học PCBL và không phải đóng học phí PCBL.

(10) Yêu cầu đảm bảo vừa đủ diện tích cho việc dạy bơi, vừa đảm bảo vệ sinh, chưa bị ô nhiễm và đủ an toàn cho học sinh. Trao đổi với cán bộ, nhân dân để tìm hiểu đặc điểm, thói quen sinh hoạt của người dân địa phương để lựa chọn vị trí thích hợp nhất cho công tác thực hiện mô hình. Chúng tôi chọn sông Phú Hòa đoạn trước nhà thầy Đoàn Kim Xữ:

(11)

* Thu: XHH: (124 học sinh - 18 học sinh biết bơi) x 80.000đ = 8.480.000đ. Ngân sách hỗ trợ mua dụng cụ tập luyện, dụng cụ vệ sinh, thuốc y tế: 1.347.000đ. Khác: 2.035.000đ.

* Chi năm 2015 (11.299.000đ):

10 áo phao  x 70.000đ = 700.000đ.

04 miếng phao bơi x 70.000đ = 280.000đ.

Dụng cụ vệ sinh: 2.000đ/ học sinh x 124 học sinh  = 248.000đ.

Chi phí quản lý, chỉ đạo: (36 tiết - 12 tiết) x 4 lớp x 15.000đ/ tiết = 1.415.000đ.

Chi phí giáo viên giảng dạy 1: (36 tiết - 12 tiết) x 4 lớp x 42.000đ/ tiết x 1 giáo viên = 4.032.000đ

Chi phí giáo viên giảng dạy 2: (36 tiết - 7 tiết) x 4 lớp x 35.000đ/ tiết x 1 giáo viên = 4.060.000đ

Chi phí cứu hộ: 36 tiết x 4 lớp x 10.000đ/ tiết  = 1.440.000đ.

Chi phí dụng cụ, thuốc y tế: 1.000đ x 124 học sinh = 124.000đ.

(12)Năm 2016 thứ 4 (7 giải cá nhân cấp huyện, 4 giải cấp tỉnh, có Hoàng Nhật Minh từ lớp PCBL đạt giải nhất cấp huyện), 2017 thứ 4 (9 giải cá nhân cấp huyện, 5 giải cấp tỉnh), 2018 nhất huyện (9 giải cấp huyện, 4 học sinh tham gia HKPĐ tỉnh với 7 nội dung thi đấu).

(13) Nó đã tạo được hiệu quả xã hội tích cực về phong trào xã hội hóa giáo dục bảo đảm an toàn sông nước cho học sinh và cho mọi người; góp phần nhắc nhở các gia đình phải quan tâm, chăm lo cho con em trong việc phòng chống đuối nước. Tạo cho các em một sân chơi mới, lành mạnh và bổ ích và an toàn; hình thành cho các em thêm kỹ năng sống cơ bản trong phòng tránh tai nạn đuối nước; làm nền tảng phát triển phong trào bơi lội cho đơn vị, góp thêm nhiều hạt nhân năng khiếu bơi lội cho huyện nhà trong các kỳ HKPĐ các cấp.

(14) Nhà trường phải tích cực tham mưu, vận động để có được sự hỗ trợ tích cực từ lãnh đạo, sự đồng thuận , ủng hộ của phụ huynh và toàn xã hội. Nhà trường phải có kế hoạch, có Ban chỉ đạo, tổ chức tổ giáo viên thực hiện, tổ chức biên ché lớp, tổ chức kiểm tra đầu vào, đầu ra chặt chẽ.

(15) phụ huynh chưa đủ điều kiện thời gian và tiền bạc để cho con học bơi tại các bể bơi đủ tiêu chuẩn. Học phí học bơi tại Phú Thủy 150.000đ; phụ huynh không phải đưa đón. Học bơi tại bể bơi huyện 400.000đ; phụ huynh phải đưa đón và khó có thể thực hiện phổ cập cho đa số học sinh. Xin nói thêm: học phí học bơi tại Đà Năng là 300.000đ - 500.000đ/ tháng (12 buổi) không thu học phí theo khóa biết bơi; ở Hà Nội là 2.500.000đ/khóa hoc 7-10 buổi.

BAN BIÊN TẬP
TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
Lê Tuyết Nhung
Lê Tuyết Nhung
0837287999
Trần Thị Minh Việt
Trần Thị Minh Việt
0916012646
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG THCS PHÚ THỦY - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 0232.3997998 * Email: thcsphuthuy@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com