GIỚI THIỆU
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 177
Số lượt truy cập: 13819480
QUẢNG CÁO
TIỂU THUYẾT “BÚP SEN XANH” MÓN QUÀ Ý NGHĨA CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH BÁC HỒ KÍNH YÊU! 5/13/2020 8:06:23 AM
Kính thưa các thầy cô giáo, cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến! Tháng 5 về! Mỗi người dân Việt Nam chúng ta đều nhớ đến ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu, trong tim luôn trào dâng một cảm xúc bồi hồi khó tả vừa trân trọng thành kính vừa biết ơn vô hạn. Đã hơn 50 năm kể từ ngày Bác đi xa, nhưng sự nghiệp và tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trường tồn theo thời gian, mãi mãi tỏa sáng trong hành trình phát triển của dân tộc và nhân loại tiến bộ. Nhân dịp chào mừng kỷ niệm 130 năm ngày sinh Bác Hồ kính yêu thư viện trường THCS Phú Thủy xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô giáo và các em học sinh cuốn sách “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng do nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành năm 2010. Sách dày 343 trang, khổ 13 x 19 cm. Trang bìa được thiết kế trang trọng nổi bật lên một bông sen cách điệu là một trong những biểu tượng tinh túy, thanh cao đáng trân trọng nhất.

thu vien t5.jpg

Kính thưa quý thầy cô và các em!

Trong số những tác phẩm viết về cuộc đời Hồ Chủ tịch, tiểu thuyết Búp sen xanh của tác giả Sơn Tùng ra đời năm 1982 là một thành công lớn của nền văn học Việt Nam. Sơn Tùng đã viết thành công Búp sen xanh bởi ông có tấm lòng thành kính đặc biệt đối với Bác và nguyện vọng thiết tha được viết về Bác. Là thương binh nặng loại 6/8, Sơn Tùng đi lại rất khó khăn, nhưng ông đã vượt qua mọi gian khổ, đi nhiều, tìm hiểu kỹ lưỡng để cho ra đời “Búp sen xanh”.

Năm 1983, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết lời tựa cho lần xuất bản thứ hai của tiểu thuyết Búp sen xanh”: “Chúng ta có một khẩu hiệu rất đúng, rất hay: “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. Đúng như vậy! Hồ Chí Minh sống mãi trong tư tưởng và tình cảm lớn, trong toàn bộ hoạt động cách mạng của nhân dân ViệtNam, của mọi người chúng ta. Đồng thời Hồ Chủ tịch cũng sống mãi trong những tác phẩm văn học và nghệ thuật có giá trị trong những trang sử đẹp nhất và vẻ vang nhất của dân tộc ViệtNam.

Tác phẩm được nhà văn chia làm 3 chương: “Thời thơ ấu”, “Thời niên thiếu” và “Tuổi hai mươi. “Búp sen xanh” đã dựng lại quãng đời niên thiếu của Bác Hồ một cách công phu, thể hiện quá trình hình thành tính cách của bậc vĩ nhân mà tầm tư tưởng đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia, được cả thế giới ngưỡng mộ.

Sinh ra và được giáo dục trong một gia đình nho học nghèo yêu nước, luôn gần gũi với nhân dân lao động, được truyền thống quê hương hun đúc, cậu bé Côn vốn thông minh ham hiểu biết đã dần dần hình thành chí lớn đi tìm đường cứu nước, để rồi về sau trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc ta. Nội dung câu chuyện được tác giả kể thật hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Ta hãy đến Nghệ An những năm 1890, tại làng Chùa, huyện Nam Đàn đang diễn ra một sự kiện trọng đại của một gia đình… Trong làng Chùa nhòe khói sương lam, cánh cổng trống làm bằng khung tre kết cành rào, hình chữ nhật đã được sập xuống, cài chặt. Khu vườn nhà ông đồ Hoàng Xuân Đường trở nên một cõi riêng biệt, kín bưng. Hương sen từ ngoài đồng bay theo gió pha lẫn mùi bồ kết cháy từ nồi than trong buồng toả ra ngào ngạt. Bà Hoàng Thị Loan vừa sinh hạ người con thứ ba. Khi ấy chưa ai biết rằng ngày này sẽ trở thành một mốc son lịch sử, không chỉ cho gia đình thầy Nguyễn Sinh Sắc, mà cho cả đất nước Việt Nam. Đó là ngày cậu bé Nguyễn Sinh Côn - Hồ Chí Minh ra đời. "Tôi đặt tên cho cháu là Côn, tự là Tất Thành”. ông ngoại Côn giải thích. Tại sao ông ngoại lại đặt cho cậu bé cái tên như vậy? Cái tên ấy có ý nghĩa gì? Trong “Búp sen xanh” đã giải thích thật lý thú.

Với tấm lòng kính yêu lãnh tụ vô hạn, Sơn Tùng trung thành với sự thật lịch sử và đã thể hiện thành công tính cách nhân vật chính. Một số chi tiết và nhân vật phụ cũng được thể hiện thành công, góp phần khắc hoạ rõ nét tính cách nhân vật trung tâm, thể hiện rõ chủ đề tư tưởng.

“Búp sen xanh” cũng làm sống lại những nét sinh hoạt văn hoá truyền thống của dân tộc. Đó là tính hiếu học, tình thầy trò, tình làng nghĩa xóm, tình bạn bè… Những sinh hoạt văn nghệ dân gian như hát phường vải, múa đèn, hát xẩm…

Bằng vốn tư liệu phong phú và chân thực, đi sâu khai thác nhiều chi tiết điển hình, tác giả đem đến cho chúng ta những trang tiểu thuyết hấp dẫn đến bùi ngùi cảm động. Chuyện cậu Côn ngồi nghe bà ngoại kể về thân phận người cha mồ côi của mình được ông ngoại nhận làm con nuôi và gả con gái cho là một trong những trang hay của tiểu thuyết. Nguyễn Sinh Sắc học giỏi, tuy đã ghi danh bảng vàng, vẫn canh cánh trong lòng nỗi đau nước mất nhà tan. Đối với ông, cứu nước chỉ còn con đường “làm quan thanh liêm” để bảo vệ dân. Nhưng ngay cả điều đó cũng không thực hiện được, ông quay về dạy học và làm thuốc trị bệnh cứu người. Ông gửi gắm niềm tin vào con trai, hy vọng Nguyễn Sinh Côn sẽ thay ông thực hiện lý tưởng tìm đường cứu nước. Ông rất chăm lo giáo dục con, khích lệ con thực hiện hoài bão lớn lao: “Nước mất, con lo tìm đường cứu nước, cha rất mừng. Con đi vì mục đích lớn. Con có thể thực hiện được cái điều mà cha và lớp người như cha phải bó tay”.

Dưới ngòi bút của Sơn Tùng, mỗi chương trong “Búp sen xanh” là một màn sân khấu diễn ra trong đó những xung đột đầy kịch tính. Khoảng đời niên thiếu của Bác được tái hiện sinh động bằng những chi tiết cuộc sống thường nhật với nỗi buồn, niềm vui, đắng cay, hiếu thảo, ham học, tò mò… Hình ảnh bé Côn với nét tính cách tinh nghịch, hóm hỉnh, thơ ngây hiển hiện trong đầu bạn đọc. Chuyện cậu bé Côn thường rủ bạn bè trêu chó để chúng sủa om sòm đến tai quan Phó bảng, kết quả là cậu bé Côn phải nhận một hình phạt nghiêm khắc của cha. Ông nói từng tiếng như búa đóng đinh: “Từ ngày mai mỗi bữa con ăn bớt một bát cơm, quảy sọt đi lặt phân bò, chiều về con viết hai chữ “nhân cách” vào năm mươi trang giấy khổ rộng, mỗi trang tám hàng rồi nộp cho cha”.  Tuổi thơ của cậu bé Côn vừa được tắm mình trong môi trường quê hương, vừa được sự giáo dục của người cha nghiêm khắc và mực thước xuất thân, đã có chí anh hùng thì cũng không tính đến tuổi nhỏ làm gì. Chính tư tưởng đạo đức của cậu đã gây được thiện cảm của mọi người. Làm gì, ở đâu cậu cũng gây được cảm tình sâu sắc của mọi người. Đó là cơ sở để sau này khi là thầy giáo Thành thì hình ảnh thầy không phai mờ trong tâm trí học trò, khi làm phu khuân vác sống cùng những người thợ xóm Chiếu Sài Gòn làm họ không thể quên anh. Hình ảnh chia tay của anh Ba với những người công nhân bến cảng Nhà Rồng như còn ngưng đọng trong trái tim người đọc với tình thương bao la rộng lớn.

Qua ngòi bút Sơn TùngBác Hồ thời niên thiếu hiện lên với nét thông minh hơn người, bản lĩnh độc đáo nhưng không phải là thần đồng bẩm sinh, mà là quá trình tự rèn luyện, học tập, tu dưỡng, tiếp thu tinh hoa dân tộc.

Bạn đọc khó mà quên được dấu mốc lịch sử ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước, ngày 5 tháng 6 năm 1911. “Anh nghe tiếng còi tàu nhọn hoắt khoan vào không gian nhức nhối… Anh bước sải chân vội vã xuống tàu. Gương mặt người con gái Sài Gòn chập chờn trước mắt anh như một búp sen quê hương”.

“Búp sen xanh” là tiểu thuyết đầu tiên viết về Bác. Qua câu chuyện về một gia đình trí thức yêu nước, tác giả nói đến số phận của dân tộc trong một giai đoạn lịch sử cụ thể, giai đoạn giao thời mà lớp sĩ phu yêu nước đại diện cho lực lượng lãnh đạo yêu nước cũ đã hết vai trò lãnh đạo, lực lượng lãnh đạo mới là giai cấp công nhân chưa hình thành. Đại đa số tầng lớp trí thức yêu nước rơi vào bế tắc. Để tìm ra con đường cứu nước đúng đắn đảm bảo thắng lợi, phải tìm hiểu từ chính kẻ thù, sau đó khéo léo vận dụng cụ thể vào đường lối cách mạng nước nhà… Sứ mệnh vĩ đại đó lịch sử đã đặt vào Nguyễn Tất Thành.

"Búp sen xanh" góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục, động viên thế hệ trẻ Việt Nam nâng cao tinh thần trách nhiệm với vận mệnh Tổ quốc, rèn luyện bản thân thành người có phẩm cách lớn. Có lẽ đó là món quà thiêng liêng nhất mà nhà văn Sơn Tùng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung kính dâng lên Bác Hồ. Trải qua bao nhiêu năm tháng mà cuốn sách vẫn giữ vững được những nét đẹp, giá trị đích thực của nó bởi trong đó có chứa đựng một tâm hồn cao cả vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam ta.

Hiện nay, tiểu thuyết “Búp sen xanh” đã có mặt thư viện trường THCS Phú Thủy để phục vụ nhu cầu tìm hiểu thêm về cuộc đời chủ tịch Hồ Chí Minh của đông đảo bạn đọc trong nhà trường. Hãy đọc cuốn sách này vì chúng ta sẽ học được từ Bác rất nhiều điều quý báu.

Trân trọng kính mới quý thầy cô và các em học sinh cùng đón đọc sách nhé./.

Xin trân trọng cảm ơn!

Phạm Thị Luyến
TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
Lê Tuyết Nhung
Lê Tuyết Nhung
0837287999
Trần Thị Minh Việt
Trần Thị Minh Việt
0916012646
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG THCS PHÚ THỦY - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 0232.3997998 * Email: thcsphuthuy@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com