Kính thưa quý vị đại
biểu!
Kính thưa các thầy
cô trong HĐSP!
Qua nghe bản báo cáo tổng kết năm học 2009-2010 và phương hướng nhiệm
vụ năm học 2010-2011 của BGH nhà trường, tôi hoàn toàn nhất trí.
Năm học 2010-2011, trường THCS Phú Thủy tiếp tục hoàn thiện các hạng mục
để đạt chuẩn quốc gia. Để nhiệm vụ đó được thực hiện tốt, đòi hỏi một sự nổ lực
lớn của đội ngũ nhà giáo, học sinh và toàn xã hội. Trong lực lượng đó, vai trò của những ngà giáo làm công tác chủ
nhiệm lớp là vô cùng quan trọng.
Tại Hội nghị này, tôi xin phép được trao đổi thêm một số vấn đề trong
công tác chủ nhiệm lớp, công tác số lượng học sinh.
Kính thưa quí vị đại biểu, kính thưa quí thầy cô!
Nhà trường thực hiện song hành hai nhiệm vụ: Nâng cao chất lượng dạy học
theo tinh thần cuộc vận động “hai không” và thực hiện mục tiêu phổ cập THCS. Như
vậy, nhà trường vừa làm nhiệm vụ giáo dục, vừa phải làm tốt công tác duy trì số
lượng.
Người giáo viên có vai trò, nhiệm vụ là truyền đạt kiến thức và góp phần
cùng gia đình, xã hội hình thành nhân cách đạo đức cho học sinh. Trong đó GVCN
là người chịu trách nhiệm chính.
I. Thực trạng thời gian qua
Trường chúng ta là một trường thuộc vùng trung du, nông nghiệp trồng
lúa là chủ yếu, đời sống kinh tế của nhân dân còn khó khăn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc tới lớp, tới trường
của HS. Một bộ phận HS mang tư tưởng bỏ học ở nhà phụ giúp gia đình.
Nhìn lại trong những năm học qua, trường chúng ta đã có những HS bỏ học
vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Năm học 2007-2008, lớp 9D tôi được phân công chủ
nhiệm có 02 HS bỏ học: 01 HS không tham gia thi lại ở lại lớp (em Thiêm), 01 HS
bỏ học nhiều tuần, tháng (em Hùng). Tôi cùng với một số giáo viên khác đến nhà
HS để vận động. Cuối cùng hai em đã trở lại trường dù hoàn cảnh gia đình bấy giờ
cực kì khó khăn. Năm 2009-2010, tôi được phân công chủ nhiệm lớp 9D có em Nguyễn
Thị Thương vì hoàn cảnh gia đình khó khăn neo người đã bỏ học đi Nam làm kinh tế.
Tôi cùng với các học sinh trong lớp và một
số giáo viên khác liên tục đến nhà vận động em đi học và em đã đến trường học được
hai tháng. Năm học 2010-2011, lớp 9D tôi chủ nhiệm đầu năm có em Hoàng Tuấn Vũ
không đến lớp một tuần, các bạn bảo em đã bỏ học. Vậy là tôi cùng một số HS
trong lớp gặp, động viên em đến lớp - em nghỉ học vì bản thân học yếu. Đến nay
em đã đi học đều đặn và đã có nhiều cố gắng hơn.
II. Yêu cầu nhiệm vụ của năm học mới.
Năm học 2010-2011 là năm học "Tiếp tục đổi mới công tác quản
lý và nâng cao chất lượng giáo dục", tiếp tục đẩy mạnh phong trào
"Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Mục tiêu
của trường chúng ta là xây dựng trường đạt
tập thể lao động xuất sắc, trường học thân thiện học sinh tích cực loại xuất sắc,
trường đạt chuẩn quốc gia THCS theo chuẩn mới. Công tác số lượng đảm bảo đòi hỏi
sự nổ lực cao của BGH và của tập thể giáo viên, đặc biệt là vai trò của GVCN.
III. Đề xuất - Giải pháp - Kiến nghị
Như vậy, qua những năm làm công tác chủ nhiệm lớp, công tác số lượng,
bản thân tôi rút ra một số kinh nghiệm như sau:
1. GVCN cần tìm hiểu và nắm vững đối tượng HS về mọi mặt để có biện
pháp tổ chức giáo dục sát với HS nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của lớp:
- Tìm hiểu hoàn cảnh, những thay đổi, những tác động của gia đình đến
HS của lớp chủ nhiệm.
- Hiểu biết những đặc điểm của từng HS để có giải pháp tác động hiệu
quả.
2. GVCN phối hợp cùng với các giáo viên bộ môn và tổ chức Đoàn - Đội
xây dựng lớp - chi đội thành một tập thể vững mạnh, tổ chức được phong trào hoạt
động, phong trào thi đua sôi nổi. Xây dựng tập thể lớp đoàn kết, phát huy ý thức
làm chủ, tính tự giác và chủ động của HS trong các hoạt động giáo dục.
3. GVCN cộng tác chặt chẽ với gia đình HS trong nhiệm vụ giáo dục các
em. Gần gũi với phụ huynh HS, được phụ huynh tin yêu chính là chúng ta đang "Đẩy mạnh công tác xã hội hóa
giáo dục, thực hiện giáo dục cho mọi người". Đặc biệt chúng ta đang
"Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" càng thấm
thía lời dạy chân tình của Bác "Các thầy giáo, các cô giáo phải gần gũi
dân chúng. Các thầy giáo cũng như các tri thức khác là lao động trí óc. Lao động
trí óc phải biết sinh hoạt của nhân dân, nếu chỉ giở sách đọc thì không đủ. Phải
yêu dân, yêu học trò, gần gũi nhau, gần gũi cha mẹ học trò. Giáo dục ở trường, ở
gia đình có quan hệ với nhau ..." (Nói chuyện tại lớp nói chuyện với
giáo viên cấp II,III và Hội nghị sư phạm tháng 7 năm 1956).
4. GVCN phải báo cáo thường kì với hiệu trưởng, BGH nhà trường về tình
hình mọi mặt của lớp. GVCN là cầu nối giữa hiệu truởng, BGH, giữa các tổ chức
trong và ngoài nhà trường, giữa các giáo viên bộ môn với tập thể HS lớp học.
5. Nhà trường tạo dựng được một môi trường giáo dục thân thiện để mỗi
HS luôn cảm nhận rằng: "Mỗi ngày đến trường là một niềm vui".
Trên đây là một số ý kiến của tôi về công tác chủ nhiệm lớp. Tôi mong
HS lớp tôi nói riêng, HS của 17 lớp trong trường nói chung sẽ chăm chỉ hơn,
ngoan hơn, chuyên cần hơn để giáo viên chúng ta bớt đi bao lo toan vất vả, gia đình,
xã hội có thêm nhiều niềm vui, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ năm học 2010-2011
Cuối cùng xin kính chúc quí vị đại biểu, các thầy cô sức khỏe, chúc hội
nghị thành công tốt đẹp.