GIỚI THIỆU
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 11
Số lượt truy cập: 12398326
QUẢNG CÁO
KIỂU CON NGƯỜI VÔ NGHĨA TRONG " KỂ XONG RỒI ĐI" 4/20/2021 10:10:16 AM
Gấp lại trang cuối của Kể xong rồi đi, tôi cảm thấy lòng dâng lên một nỗi buồn mênh mang, một tiếng thở dài trượt trôi cùng những suy tư về vấn đề mà cuốn tiểu thuyết đặt ra. Đọc xong tiểu thuyết, có thể thấy Nguyễn Bình Phương đã gửi gắm rất nhiều trăn trở. Đó là trăn trở về kiếp người. Đó là trăn trở về cõi nhân sinh mục nát, nơi mối quan hệ giữa con người trở nên lỏng lẽo, tính toán, vụ lợi. Đó là trăn trở về cái chết. Đó là trăn trở về những vấn nạn của xã hội… Để làm nổi bật những trở trăn đó, nhà văn Nguyễn Bình Phương đã nỗ lực trong việc xây dựng hình tượng nhân vật. Theo tôi, kiểu nhân vật nổi bật nhất trong tác phẩm này đó là kiểu con người vô nghĩa.

Điển hình cho kiểu con người vô nghĩa trong Kể xong rồi đi phải kể đến “tớ”. “Tớ” là người kể chuyện nên mọi điểm nhìn của “tớ” đều bao quát truyện kể, và nhân vật nghe/ chứng kiến câu chuyện mà “tớ” kể không phải là người, mà đó là một con chó tên là Phốc. Đây có lẽ là một dụng ý nghệ thuật của Nguyễn Bình Phương. Thông thường, nhà văn rất hiếm khi trao điểm nhìn cho vật, mà hơn nữa, vật ấy lại là một con chó- tận cùng của nỗi cô đơn và tuyệt vọng. Nghệ thuật hơn thua nhau là ở sự sáng tạo và nét độc đáo. Nguyễn Bình Phương đã thể hiện được sự sáng tạo của mình ngay trong cách xây dựng hình tượng nhân vật “tớ” và “cậu”. “Tớ” có lẽ là nhân vật đáng thương nhất câu chuyện, bởi “tớ” là thằng cháu “mồ côi mắt lác” được đại tá mang về nhà nuôi. Dù là một thành viên trong gia đình nhưng “tớ” bị đối xử lạnh lùng, dửng dưng, chẳng khác gì kẻ ăn nhờ ở đợ. “Tớ” mang trong mình nhiều vết sẹo, nhưng có lẽ vết sẹo lớn nhất chính là kí ức tuổi thơ sống trong cảnh túng thiếu, bị xâm phạm thân thể và chứng kiến cảnh người thân mình ra đi trong hỏa hoạn. Mặc cảm ấu thơ và thân phận của một người ở nhờ khiến “tớ” chẳng thể đồng cảm cùng ai ngoài “cậu”. “Tớ” là “cậu” (con chó Phốc), và “cậu” cũng là “tớ” (người). Mối quan hệ giữa “tớ” và “cậu” là mối quan hệ “hai trong một”, khăng khít, gắn bó, chẳng thể tách rời. Điều này cho thấy, nhân vật “tớ” đã bị đánh mất niềm tin- niềm tin vào thế giới xung quanh và niềm tin vào chính mình.“Tớ chỉ dám tin  tưởng ở cậu, cũng như cậu chỉ hi vọng ở tớ” (tr.72). Nhân vật “tớ” là sản phẩm nối tiếp của môtip nhân vật tha hóa mà văn học hiện đại/ hậu hiện đại nỗ lực tạo dựng. Nếu như trong Biến dạng, Kafka đã để cho nhân vật Samsa tha hóa về ý thức lẫn hành động thì ở Kể xong rồi đi, Nguyễn Bình Phương đã để nhân vật “tớ” tha hóa về nhận thức. Phốc- con chó chỉ là loài vật nhưng đối với “tớ”, Phốc là người. “Bọn mình phải tin nhau, phải gìn giữ cho nhau mới sống nổi ở cái chốn bát nháo này” (tr.156). Xuyên suốt tiểu thuyết, cụm từ “bọn mình” lặp lại rất nhiều lần để khẳng định mối quan hệ mật thiết và niềm tin tuyệt đối giữa “tớ” và “cậu”. Trong suy nghĩ của “tớ”, “cậu” vẫn có gia đình, người thân như hết thảy mọi người “Cậu có nhớ mẹ không, có nhớ bố không, có nhớ em gái không?”. (tr.173). Câu văn ngắt quãng như xoáy vào lòng người nỗi xót xa về sự tha hóa của “tớ”. “Tớ” cùng cảnh như cậu nên “tớ” chẳng hơn gì “cậu”. Bố tớ bỏ nhà đi, mẹ và em gái tớ chết trong trận cháy. “Tớ” lẻ loi và cô đơn biết mâý trong gia đình này vì “tớ” ý thức được rằng “Tớ chỉ là công vụ thôi” (tr.22). Từ khi “cậu” xuất hiện, “tớ” có thêm một người bạn để sẻ chia, an ủi cho nên “cậu” “Không được khóc đâu đấy”(tr.173). “Tớ” là tận cùng của sự tha hóa về nhận thức khi nghĩ rằng “cậu” cũng có cảm xúc như “tớ”, như bao người. “cậu đã lắng nghe một cách rất xúc động, xúc động hơn cả tớ” (tr.200). “Cậu” là một phần không thể thiếu của “tớ”, nên “tớ” sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ “cậu” :“Nếu đứa nào bắt cậu để hầm sâm, tớ sẽ cho mấy nhát luôn” (tr.85). Chi tiết nhỏ này cho chúng ta thấy “tớ” dám hi sinh cả mạng sống của mình để che chở “cậu”.  Có thể nói, “tớ” là nhân vật tha hóa về nhận thức nhưng vẫn giữ được nét đẹp trong tâm hồn dưới ngòi bút của Nguyễn Bình Phương. Sự tha hóa của “tớ” tạo nên những đợt sóng ngầm trong tâm hồn “tớ” và làm cho người đọc ray rứt, thương cảm hơn về những mảnh đời “côi cút” đáng thương trong thế giới “bát nháo” này. “Tớ” tha hóa về nhận thức nhưng vẫn “vững vàng” trong hành động. Bằng chứng là “tớ” biết quan sát và làm chu toàn mọi việc trong gia đình, ngay cả việc chăm sóc đại tá.

BINH LUAN.jpg

Bìa tiểu thuyết Kể xong rồi đi của nhà văn Nguyễn Bình Phương

          Với kết cấu rubic, câu chuyện về gia đình ngài đại tá trong Kể xong rồi đi cứ lồ lộ hiện ra như những mảnh vỡ. Những mảnh vỡ đa sắc ấy từ từ thả vào lòng người những nhát cắt hiện thực sắc lẹm và ngổn ngang. Người đọc cứ mê man dõi theo từng bước đi của các nhân vật để hiểu thêm về bức tranh bề bộn của cuộc sống. Nếu “tớ” là nhân vật tha hóa về nhận thức do chấn thương tinh thần, thì những đứa con của đại tá lại trượt dài trong sự băng hoại về đạo đức. Họ tỏ ra thờ ơ, nhạt lạnh khi đại tá nằm viện vì đột quỵ. Từ đám con ruột như Thảnh, Khuất,Vân, Hoành, cho đến thứ con rể như Sửu, Ngọ và thằng cháu nội đích tôn-Tuyên, đều mang một vẻ mặt chung là dửng dưng, lạnh lùng. Đỉnh cao cho sự tha hóa về ý thức lẫn hành động trong số nhân vật ấy phải kể đến Thảnh- con trai Đại tá. Dù là con trai cả, nhưng khi đại tá nằm xuống, Thảnh đều phó thác trách nhiệm cho mấy đứa em và “tớ” “Mọi việc đỡ đần, chăm sóc đại tá Thảnh lẳng lặng phó thác cho Lĩnh và tớ” (tr.36). Tiếng là con trai trưởng, thường xuyên lui tới nhà đại tá, nhưng mỗi lần qua Thảnh đều thờ ơ, chẳng hề bận tâm đến bất kì việc gì“Thảnh cũng chỉ như khách vãn cảnh chùa, thọc tay vào túi quần hoặc chắp hai tay ra sau, đi lại ngó nghênh, tiện có ấm trà pha sẵn thì làm một vài chén, không thì cun cút về lôi truyện chưởng ra đọc”. (tr.35). Đã thế, mặt Thảnh lúc nào cũng “phởn phơ, lơ lả”, chẳng có chút gì của hạng người tử tế. Khi các con của đại tá đang bàn nên chôn cất hay hỏa táng cho đại tá, thì Thảnh lại lo“chôn ở đâu để phát nhanh nhất” (tr.105). Thay vì lo lắng, tìm cách cứu chữa cho cha mình, Thảnh chỉ lo tính toán đến quyền lợi của mình khi đại tá chết. Điều đó chứng tỏ Thảnh không chỉ bộc lộ bản chất của một kẻ sống ích kỉ, thực dụng, tham lam, mà còn cho thấy anh ta là một kẻ xuống cấp cùng tận về nhân cách. Tuy lơ đãng, vô tâm đến độ bỏ quên ca trực đại tá, nhưng khi bàn đến chuyện đưa đại tá về nhà để chuẩn bị lo hậu sự thì Thảnh “tái mặt, ngả người”, “rung chân”, giọng lạnh tanh phán rùng rợn“Tùy, tao hết trách nhiệm rồi” (tr.174). Là người hời hợt, vô trách nhiệm nhất khi cha mình nằm xuống, nhưng Thảnh luôn tỏ vẻ mình là người tận tụy, chu đáo nhất. 

Không chỉ Thảnh, những đứa con trai của đại tá như Khuất, Hoành đều là hạng người ma mãnh, trục lợi. Khuất mải lo bồi bổ sức khỏe để “bước vào cuộc chiến đấu giành vị trí mới cao hơn” (tr.145). Hoành thì hay bốc đồng, nóng nảy, bất cần, mở miệng ra là văng tục. Còn Tuyên- thằng cháu nội của đại tá thì “ngổ ngáo”, “xấc xược”,lơ láo”, “suốt ngày vùi đầu vào chơi game” (tr. 43). Vân- con gái đại tá dù trực chăm sóc bố nhưng phải “giục tớ nói chuyện với đại tá” (tr.51). Khi cả nhà chuẩn bị lo hậu sự cho đại tá, thì Vân buông một câu hờ hững, ngớ ngẩn “Dưới suối vàng nước có vàng không nhỉ” (tr. 207). Câu hỏi của Vân biểu hiện sự  trơ trọi và trống rỗng về cảm xúc. Sửu-con rể cũng chẳng hơn kém gì những đứa con trai, con gái ngài đại tá. Với tính khí thất thường,, giả dối, vụ lợi, nhân lúc đại tá nằm viện, Sửu đã lo đến quyền lợi khi chia tài sản “trai hay gái cũng hưởng bằng nhau hết” (tr.29). Những đứa con trong gia đình đại tá, mỗi người một kiểu nhưng cái vẻ lạnh lùng, toan tính đã chiếm hữu và  biểu hiện sự bệ rạc, suy thoái của gia đình này. Không chỉ con cái, ngay cả bạn chí cốt, hàng xóm khi hay tin đại tá không qua khỏi, cũng chẳng mấy ai đoái hoài (ngoại trừ bà Lan). Hoặc, có đến thăm thì cũng “cho có” như Hòa- lính dưới quyền đại tá. “nắn nắn, bóp bóp sau đó thả xuống một cách lỗ mãng” (tr.60). Dù mang tiếng là rất thân với đại tá, nhưng Hòa không chỉ hỗn láo, mà còn thực dụng “vừa bốc thuốc vừa cò đất nghĩa trang” (tr.122). Thông qua điểm nhìn của “tớ”, câu chuyện về gia đình ngài đại tá và những con người sống trong chốn “bát nháo” ấy hiện lên thật chân thực và sinh động.

          Trong Kể xong rồi đi, Nguyễn Bình Phương bàn rất nhiều đến cái chết: chết vì già, chết vì tai nạn, chết vì trúng gió, chết vì sét đánh, chết vì vướng phải dây điện, chết vì tự vẫn, chết vì bệnh…Thông qua những cái chết đó, nhà văn muốn bàn đến cái chết về tâm hồn về ý thức của những người đang sống, mà trần trụi và rõ nét nhất phải kể đến những đứa con của đại tá. Những người con mà ngay cả khi cha mình cận kề cái chết vẫn thờ ơ, lạnh lùng một cách đáng sợ. Vì thế, sống trong gia đình ấy, “tớ” chẳng thể tin tưởng, chuyện trò, sẻ chia cùng ai ngoài “cậu” và Lĩnh. Nếu “tớ” tha hóa về nhận thức vì cô đơn, thì những đứa con của đại tá lại tha hóa về ý thức lẫn hành động (ngoại trừ Lĩnh). “Tớ” biết “cậu”- con Phốc còn hơn những con người ấy, bởi “cậu” biết cách biểu hiện tình cảm với “tớ” và đại tá. Ở đây, có sự hoán đổi giữa người và vật. Người thì dửng dưng, lạnh lùng, còn vật (con chó Phốc) lại tình cảm như người, thậm chí hơn người. Qua cách xây dựng các nhân vật, Nguyễn Bình Phương muốn vạch trần bộ mặt giả dối, thối nát tận cùng của những con người sống mà như chết. Còn gì khủng khiếp hơn khi con người cứ mãi lạc lối và đắm chìm trong cõi u mê tăm tối.

          Khép lại câu chuyện của “tớ” trong Kể xong rồi đi, tôi cảm thấy nuối tiếc, day dứt một điều là Nguyễn Bình Phương vẫn chưa để đại tá trút hơi thở cuối cùng. Chẳng ai biết  đại tá có nghe, có thấy được không từng gương mặt, từng câu chuyện bên lề của những đứa con, những người bạn của ngài. Nếu biết được ắt hẳn đại tá sẽ buồn lắm, đau lắm và chắc gì ngài đã nhắm mắt được khi sắp bước qua bên kia thế giới. Ngòi bút của Nguyễn Bình Phương nhẹ nhàng thôi nhưng sâu cay lắm. Đại tá còn nằm đó, nên “tớ” vẫn kể và “cậu” vẫn nghe, còn người đọc thì cứ mãi “loay hoay” trong vô vàn suy ngẫm.

                                                                                      L.H

Tài liệu tham khảo: Nguyễn Bình Phương, Kể xong rồi đi, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2017

LÊ THỊ HƯƠNG
TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
Lê Tuyết Nhung
Lê Tuyết Nhung
0837287999
Trần Thị Minh Việt
Trần Thị Minh Việt
0916012646
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG THCS PHÚ THỦY - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 0232.3997998 * Email: thcsphuthuy@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com