GIỚI THIỆU
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 8
Số lượt truy cập: 12398326
QUẢNG CÁO
THẦY CÔ GIÁO CÙNG HỌC SINH PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG "TƯƠNG THÂN TƯƠNG ÁI" TRONG PHÒNG CHỐNG ĐẠI DỊCH COVID-19 4/21/2022 3:53:59 PM

- Tên tác phẩm: Thầy cô giáo cùng học sinh phát huy truyền thống “tương thân tương ái” trong phòng chống đại dịch Covid-19     

- Thể loại: Tản văn

- Tên tác giả: Phan Thị Bích Thủy                  Số điện thoại: 0947220158

- Thuộc đơn vị: Trường THCS Phú Thủy

          NỘI DUNG TÁC PHẨM:

 

THẦY CÔ GIÁO CÙNG HỌC SINH

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG "TƯƠNG THÂN TƯƠNG ÁI"

TRONG PHÒNG CHỐNG ĐẠI DỊCH COVID-19

          "Ôi Việt Nam! Tự hào vang ca khúc Việt Nam. Con cháu Lạc Hồng khí phách cha ông, ngàn năm tụ hội gấm vóc non sông, …". Lời bài hát cất lên cùng với giai điệu thôi thúc như làm bừng sáng bao tâm hồn con người Việt Nam. Con cháu Lạc Hồng được hun đúc, vun đắp bởi xương máu của cha ông ngàn năm để làm nên gấm vóc non sông như ngày hôm nay. Tâm hồn con người Việt Nam được tưới mát bởi những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chính những truyền thống tốt đẹp ấy là sợi dây kết nối tâm hồn mỗi người dân đất Việt luôn đồng điệu, hòa cùng một nhịp đập tạo nên những thanh âm trong trẻo của bản hòa ca đầy màu sắc, làm xoa dịu những khó khăn đời thường, vơi bớt thương đau lúc hoạn nạn.

thuy 1.jpg 

Đoàn kết là sức mạnh (Ảnh sưu tầm)

          Toàn thế giới nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng đang gồng mình chung tay đầy lùi đại dịch Covid-19, một kẻ thù vô hình nhưng bao phần nguy hiểm. Chung tay với cả nước, mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh đều là những chiến sĩ trên mặt trận chống đại dịch, mà trên mặt trận ấy mỗi thầy cô giáo và các em học sinh luôn phát huy truyền thống "tương thân tương ái", góp phần chiến thắng đại dịch, trả lại cuộc sống bình yên thường ngày như mong đợi của bao người. Thật đúng vậy, tinh thần "tương thân tương ái" như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, gắn kết quá khứ đến hiện tại và tương lai sau này. Một người vì mọi người, mọi người vì một người, cả dân tộc là một thể thống nhất cùng đoàn kết tạo nên sức mạnh vô biên mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Đoàn kết đại đoàn kết, thành công đại thành công". Chúng ta sẽ thành công, lịch sử hào hùng và truyền thống vẻ vang của dân tộc đã chứng minh điều đó.

          Xuôi dòng thời gian trở về với quá khứ, Hùng Vương thứ sáu ra lời hiệu triệu tìm người hiền tài cứu nước khi đất nước lâm nguy thì từ cậu bé ba tuổi đến mọi tầng lớp nhân dân đều chung sức đồng lòng hưởng ứng lời kêu gọi của nhà vua. Để rồi cậu bé ấy lớn lên từ "cơm mắm, dưa cà", từ củ khoai, củ sắn của nhân dân Phù Đổng và các vùng lân cận. Cậu bé ấy mặc áo giáp sắt, cầm roi sắt, đội mũ sắt cũng từ sự đóng góp của nhân dân. Cậu ấy đã vươn vai đứng dậy đánh bại kẻ thù trả lại bình yên cho đất nước. Chiến thắng ấy là chiến thắng của lòng yêu nước; chiến thắng của sự đồng lòng, đồng sức; chiến thắng của tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng.

          Tinh thần ấy lại tiếp tục được phát huy khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu kêu gọi nhân dân hỗ trợ chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong lúc đất nước rơi vào tình cảnh "ngàn cân treo sợi tóc". Cảm kích trước lời kêu gọi của Người, "Quỹ độc lập" ra đời, "Tuần lễ vàng" được phát động; hũ gạo cứu đói đều có trong mỗi nhà; nhiều nhà tư sản đã đóng góp tiền vàng, của cải; có những cặp vợ chồng mới cưới sẵn sàng quyên góp đôi nhẫn cưới của mình, ... vào công cuộc xây dựng nhà nước non trẻ vừa ra đời. Thật đáng trân quý biết bao những tấm lòng vàng trong lúc khó khăn, hoạn nạn, hết lòng vì nhau để rồi nhà nước non trẻ ấy vượt qua mọi áp bức của quân xâm lược và trưởng thành như ngày hôm nay.

          Sau này, trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, dù đất nước bị chia cắt làm hai miền Bắc - Nam nhưng tấm lòng của nhân dân hai miền Tổ quốc vẫn chung một nhịp đập trong cơ thể Việt Nam thân yêu. Tinh thần "tương thân, tương ái" không hề vơi bớt mà càng được bồi đắp thêm với trách nhiệm "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người"; "xe chưa qua nhà không tiếc"; hay trên cánh đồng miền Bắc nổi bật lên những "bức tranh" được vẽ trên  nẻn với dòng chữ đong đầy yêu thương "thửa ruộng miền Nam", đặc biệt là sự ra đời của đường Trường Sơn huyền thoại đã vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực, vũ khí, thuốc men cho chiến trường miền Nam. Miền Bắc với tên gọi thân thương "hậu phương" đã cùng miền Nam làm nên mùa xuân của Tổ quốc với chiến thắng 30-4-1975. Có thể thấy, tinh thần "tương thân, tương ái" đã nhen nhóm những ngọn lửa nhỏ để rồi thổi bùng lên thành ngọn lửa lớn thiêu cháy mọi kẻ thù hung bạo.

Và hôm nay đây, chúng ta đang đối diện với kẻ thù không gươm không dao nhưng cũng đã lấy đi hàng ngàn mạng sống của con người. Cuộc sống đang yên đang lành bỗng dưng có Covid. Chính nó là kẻ thù đã làm xáo trộn, ngưng trệ nhiều phương diện, gây bao đau thương mất mát cho người dân. Những đứa trẻ bỗng dưng mồ côi bố mẹ, không nơi nương tự; những cảnh di dân chưa từng có trong lịch sử; những người thân không được đến gần dù rất yêu thương nhau; những y bác sĩ, các chiến sĩ công an, bộ đội, dân quân làm việc quần quật trong bộ đồ bảo hộ thùng thình, mấy tháng trời liền không được về nhà với trẻ thơ, mẹ già; bao học sinh không được đến trường đùa giỡn với bạn bè, chỉ biết làm bạn với tivi, điện thoại, không được nghe âm thanh vui tai của những chú ve sầu; thầy cô cũng buồn lòng vì không được gặp những cô cậu học trò dễ thương, tinh nghịch, không được hàn huyên với đồng nghiệp về chuyện trường, chuyện lớp và những chuyện "tầm phào" trong cuộc sống.v.v... Tất cả những hình ảnh ấy đã trở thành một dấu ấn khó quên và sẽ in sâu trong tâm trí của bao người. Khó khăn chắc chắn sẽ còn nhiều, nhưng không vì thế mà làm ta chùn bước. Mỗi thầy cô giáo và các em học sinh lại tiếp nối truyền thống tốt đẹp "tương thân, tương ái", đóng góp một chút sức nhỏ của mình vào công cuộc chống đại dịch Covid-19.

Tất cả thầy cô, các em học sinh đều đồng lòng hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, cùng thực hiện tốt các Chỉ thị 19,16,15. Từ các cháu mẫu giáo đến học sinh phổ thông cũng như sinh viên Đại học, Cao đẳng; từ giáo viên đến giảng viên và những nhà quản lí Giáo dục đều đã có nhiều đóng góp vào công cuộc phòng chống đại dịch. Nhiều học sinh Tiểu học dù còn nhỏ tuổi nhưng các em đã biết lan tỏa yêu thương đem tiền mừng tuổi, tiền tiết kiệm mua khẩu trang tặng cho người nghèo; hay như cô thầy trường Chu Văn An (Đồng Hới - Quảng Bình) đã nghiên cứu, pha chế nước rửa tay diệt khuẩn trao tặng cho học sinh, người dân vùng khó khăn, các cụm trực chốt; thầy cô giáo và học sinh trong toàn tỉnh đã gửi những tin nhắn yêu thương ủng hộ quỹ vắc xin; nhiều thầy cô giáo đã tạm gác lại công việc giảng dạy và gia đình để tham gia nấu cơm cho các khu cách li trong địa bàn; không những vậy, nhiều thầy cô đã ủng hộ để mua điện thoại, máy tính cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em có thể tham gia học trực tuyến như bạn bè cùng trang lứa; nhiều thầy cô giáo trở thành tình nguyện viên tham gia trực chốt cùng chiến sĩ bộ đội, công an, nhân viên y tế trên địa bàn.

thuy 3.jpg 

Các cô giáo trên địa bàn xã Phú Thủy

đang tham gia trực tại chốt Kim Thủy – Lệ Thủy – Quảng Bình

 thuy 4.jpg

Cô giáo Lê Tuyết Nhung - Hiệu trường Trường THCS Phú Thủy

và cô giáo Lê Thị Tuyết Nhung - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thủy

trao quà hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

         

Trong thời kì dịch bệnh kéo dài chắc chắn việc học trực tiếp sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng không thể không học. Với thời đại 4.0, thầy trò đã tìm cách khắc phục và phát huy sức mạnh của công nghệ, tìm thấy niềm vui bên nhau trên bài giảng online. Dù còn nhiều điều mới lạ, nhưng với bản lĩnh và tình yêu nghề, yêu thương học sinh, các thầy cô giáo đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu, khám phá để bục giảng online luôn hấp dẫn, lôi cuốn các em. Để làm được điều đó, cần lắm cái tâm và trách nhiệm của người thầy giáo. Làm sao trong mỗi bài giảng, không chỉ chứa đựng tri thức khoa học mà còn lan tỏa cả tình yêu thương.

thuy5.jpg

Trao gửi yêu thương (Ảnh sưu tầm)

          Những ca từ sâu lắng trong nhạc phẩm "Để gió cuốn đi" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không, để gió cuốn đi..." hay lời nhắn của nhà thơ Tố Hữu "Có gì đẹp trên đời hơn thế. Người với người sống để yêu nhau" như một lời trao gửi đến tất cả mọi người, cuộc sống này quá ngắn ngủi để thù ghét, để bon chen, để đua tranh mà hãy yêu thương nhau khi còn có thể; hãy bao bọc, sẻ chia để cuộc sống này tốt đẹp hơn, để cuộc đời này thật đáng sống, để không ai bị bỏ lại phía sau trong mọi hoàn cảnh. Hãy trao yêu thương để tình người còn mãi.

Một mùa Hiến chương Nhà giáo nữa lại về, mùa Hiến chương đặc biệt, mỗi thầy cô giáo, các em học sinh hãy phát huy tinh thần cộng đồng đang chảy trong huyết quản của chúng ta để chung sức cùng với Đảng và Nhà nước, cùng với nhân dân tiếp tục làm nên chiến thắng trước đại dịch Covid-19. Kính chúc tất cả các thầy cô giáo có một mùa Hiến chương ý nghĩa, an lành, hạnh phúc với quyết tâm chiến thắng đại dịch./.

                                                                                          

PHAN THỊ BÍCH THỦY 

 

TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
Lê Tuyết Nhung
Lê Tuyết Nhung
0837287999
Trần Thị Minh Việt
Trần Thị Minh Việt
0916012646
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG THCS PHÚ THỦY - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 0232.3997998 * Email: thcsphuthuy@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com